Họa sĩ truyện tranh – Comic Artist
“Truyện tranh” là một loại sách không có nhiều chữ như sách giáo khoa, cũng không toàn hình vẽ đơn giản như sách thiếu nhi, truyện tranh vừa có tranh vẽ đẹp vừa có khung thoại nhân vật tạo nên một câu chuyện. Có thể kể đến một số truyện tranh đình đám như Doraemon, Conan hay là Thần Đồng Đất Việt mà mọi đứa trẻ đều có thể đọc mà không cảm thấy chán.
Đứng sau các tác phẩm đó chính là người họa sĩ truyện tranh, họ đã thổi hồn vào từng nhân vật từng nét vẽ khiến cho chúng sinh động hơn để cuốn chúng ta vào mạch của câu chuyện.
Người họa sĩ truyện tranh không chỉ vẽ đẹp mà còn phải biết kể chuyện bằng hình ảnh, xây dựng tình huống cùng cách sắp xếp bố cục khung vẽ và phải làm việc rất nhiều với khối lượng lớn trang sách của một quyển truyện.
Họa sĩ truyện tranh là gì?
Truyện tranh là cách thức truyền tải thông điệp của tác giả đến người đọc một cách sinh động nhất, cụ thể là bằng hình vẽ và các khung đối thoại. Hai dòng truyện tranh có ảnh hưởng lớn và được ưa chuộng nhất có thể kể đến là Manga (truyện tranh Nhật Bản) và Comic (truyện tranh Âu Mỹ).
Hiện nay với internet phát triển, ngành truyện tranh cũng chủ động hơn trong việc tiếp cận đến đọc giả thông qua mạng xã hội và website, nhờ vậy Hoạ sĩ truyện tranh có thể chủ động kiếm thêm thu nhập mà không cần phải thông qua nhà xuất bản.
Quy trình làm việc của họa sĩ truyện tranh
Thông thường sẽ có 2 đối tượng phát triển truyện tranh chính:
-Đội ngũ hoạ sĩ chuyên môn hoá: bao gồm người viết kịch bản, người vẽ nhân vật, người vẽ bối cảnh,…
-Hoạ sĩ độc lập: người họa sĩ sẽ tự mình làm mọi việc hoặc thuê thêm trợ lý để hỗ trợ công việc.
Một quy trình làm việc của hoạ sĩ truyện tranh sẽ gồm các bước sau:
1. Viết kịch bản
Dù là họa sĩ nhưng họ sẽ không bắt đầu bằng việc vẽ mà chính là viết, viết kịch bản. Họ sẽ tìm kiếm nguồn cảm hứng ở khắp mọi nơi như trong đời sống, các vấn đề gia đình, bạn bè hay chiến tranh thậm chí là khoa học viễn tưởng để làm ý tưởng và tạo nên một cốt truyện thú vị và thu hút. Đôi khi không phải những đề tài lớn lao mới làm nên một câu chuyện thú vị mà nó sẽ tùy thuộc vào cách khai thác khía cạnh và giải quyết vấn đề tác giả, từ đó làm nổi bật nên tính cách nhân vật và thông điệp mà câu chuyện muốn truyền tải. Một ví dụ về mô típ truyện đơn giản như Doreamon, các câu chuyện chỉ xoay quanh cuộc sống hằng ngày của các bạn nhỏ nhưng tác giả đã sáng tạo nên các bảo bối khác nhau theo từng trường hợp và cách xử lý vấn đề khác nhau, từ đó luôn tạo được sự kịch tính và lôi cuốn.
2. Thiết kế nhân vật
Sau khi có kịch bản, người họa sĩ sẽ tiến hành thiết kế các nhân vật theo trí tưởng tượng của mình. Một câu chuyện sẽ luôn có nhiều tuyến nhân vật như phe thiện, phe ác hoặc các nhân vật có tính cách khác nhau, từ đó ảnh hưởng lên tạo hình của các nhân vật đó. Ở giai đoạn này người họa sĩ phải nắm rõ các tỉ lệ cơ thể người cũng như giải phẫu học và tạo ra đặc điểm nhận dạng cho nhân vật để khán giả luôn có thể nhận ra đó là nhân vật nào trong mọi hành động.
3. Phác thảo nhỏ các trang truyện (thumbnail)
Thumbnail là các bản phác thảo nhỏ mà tác giả cần làm để tạo ra được mạch câu chuyện và kiểm soát nhiều trang liên tiếp. Ở giai đoạn này người họa sĩ không cần quá tập trung vào tỉ lệ mà chỉ là biến kịch bản chữ thành hình ảnh và chia các khung truyện cũng như vị trí nhân vật và vị trí câu thoại. Họ cũng sẽ chọn lựa các bố cục để sắp xếp trong từng khung, khung nào to khung nào nhỏ, để diễn tả khung cảnh lắng đọng thì nên dùng bố cục gì, hay khung cảnh hành động thì chia ô như thế nào bởi vì không chỉ kể lại câu chuyện mà còn phải thay đổi góc độ quay để đem lại nhiều cảm xúc khác nhau cho khán giả.
4. Sắc độ và tô màu
Một số loại truyện tranh dù là trắng đen thì không chỉ lọc nét mà còn cần thêm thắt sắc độ để tạo sinh động cho người xem cũng như nhấn mạnh phần chính, phần phụ, diễn tả cử động, cảm xúc nhân vật trong từng khung truyện. Giai đoạn này nếu không làm truyện trắng đen thì người họa sĩ có thể tô màu cho truyện của mình, họ sẽ cần các kỹ năng về màu sắc, ánh sáng, bóng đổ cũng như đặc tả các chất liệu.
5. Hoàn thành và viết thoại
Đã xong tất cả các bước rồi thì sẽ đến phần viết thoại, nếu truyện vẽ tay thì cần thêm một bước scan lên máy để chèn thoại vào hoặc người họa sĩ có thể chọn cách viết chữ tay. Phần thoại đã được sắp xếp bố cục ở bản phác thảo nên chỉ cần chỉnh sửa câu chữ là có thể đưa vào khung thoại và hoàn thành một cuốn truyện.
Các kỹ năng cần có nếu muốn làm truyện tranh
Viết kịch bản và xây dựng tình huống
Kịch bản được xem là cốt lõi của câu chuyện và phải truyền tải một thông điệp nhất định đến cảm xúc của khán giả. Người họa sĩ truyện tranh cần có tư duy logic tạo ra một mạch truyện liền mạch, tạo phần kịch tích và nút thắt, sau cùng là giải quyết vấn đề và khai phá ra tính cách của từng nhân vật.
Kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh
Từ kịch bản, người họa sĩ sẽ biến những con chữ trở thành hình ảnh sao cho sinh động nhất. Kỹ năng này cần trải qua nhiều sự nghiên cứu để có đủ tư liệu tạo hình, biến những gì tưởng tượng trong đầu thành khung cảnh thấy được trên mặt giấy.
Kỹ năng phác họa và vẽ tay
Kỹ năng này là hiển nhiên khi muốn làm họa sĩ vẽ truyện tranh, dù cho có sự trợ giúp của máy móc thì bạn cũng cần có khả năng phác họa và vẽ tay ở mức tốt.
Chuyên môn về mỹ thuật
Người họa sĩ không phải chỉ vẽ đẹp mà còn phải vẽ đúng, lúc này họ sẽ ứng dụng các chuyên môn mỹ thuật vào truyện như sắc độ, ánh sáng, giải phẫu học, màu sắc, tả chất liệu hay phối cảnh của môi trường xung quanh…. Tuy nhiên một số truyện vẽ cho thiếu nhi thì có thể không cần đặt nặng vấn đề này, một ví dụ điển hình là “Shin-cậu bé bút chì” là những hình vẽ đơn giản không cần tuân theo giải phẫu học hay tập trung tả chất liệu nhưng nó vẫn trở nên đặc biệt nhờ vào cốt truyện lôi cuốn và thu hút.
Bố cục và góc máy
Ở mỗi khung truyện, người họa sĩ sẽ cần sắp xếp bố cục của các nhân vật trong bối cảnh và am hiểu về các góc máy quay, góc nhìn từ trên cao xuống hoặc từ dưới lên để thể hiện khung cảnh rộng lớn hoặc con người nhỏ bé, một số tâm trạng nhân vật sẽ không cần vẽ thẳng góc mặt biểu lộ cảm xúc mà thường nhìn từ phía sau…
Một số kiến thức về công nghệ và phần mềm
với khối lượng trang vẽ lớn thì họ sẽ cần đến sự trợ giúp của các phần mềm, hoặc thay vì in ấn xuất bản truyền thống thì họ có thể đăng truyện lên các nền tảng xã hội, vì vậy mà am hiểu một chút về công nghệ sẽ hỗ trợ được rất nhiều.