Quảng bá thời trang – Fashion Marketing

Bạn sẽ liên tưởng đến điều gì khi nhắc tới các thương hiệu thời trang? 

Như Uniqlo, Muji nói lên lối sống tối giản, còn Adidas, Nike thì tôn lên sự khỏe khoắn trong khi Channel thì quý phái, sang trọng … và nhiều các thương hiệu thời trang khác. Để có được những khái niệm đó trong đầu thì doanh nghiệp của họ đã phải tốn rất nhiều công sức đưa ra những chiến lược từ xây dựng thương hiệu đến chọn người mẫu hay tung ra các bộ sưu tập khác nhau. Và không chỉ tập trung vào việc tạo sản phẩm, họ còn cần chia sẻ chúng đến với khách hàng thì mới có nhiều người biết đến, và người làm công việc này không ai khác chính là người Quảng bá thời trang hay còn gọi là Fashion Marketer.

Nguồn: harrods.com

Quảng bá thời trang là gì?

Quảng bá thời trang (Fashion Marketing) là việc kết nối thương hiệu thời trang tới người dùng, sự kết nối đó có thể là chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, xây dựng hình ảnh ở các cửa hàng hoặc thu hút người tiêu dùng và khiến họ biết đến cũng như muốn mua sản phẩm của thương hiệu đó nhiều hơn.

Ví dụ một công ty A có bộ sưu tập mới cần tung ra và người chủ yêu cầu bộ sưu tập này cần được quảng bá để nhiều người biết đến. Lúc này người làm Fashion Marketing sẽ phải vắt óc nghĩ xem có những chiến lược truyền thông nào để quảng bá bộ sưu tập đó. Nên đăng trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok hay nên trưng bày ở các cửa hàng để thu hút sự chú ý của người mua hay mời những người nổi tiếng mặc và tạo trend ra sao… 

Người làm Fashion Marketing sẽ không trực tiếp quyết định thiết kế, họ chủ yếu quảng bá chúng, đưa chúng đến gần với khách hàng và phân tích những phản hồi của họ, từ đó đưa ra phương án đề xuất như tăng màu này, giảm màu kia, thêm size nào cho bộ sưu tập nếu size đó bán chạy hơn. Sau cùng, họ cần đảm bảo được sự hiệu quả về kết quả kinh doanh. Khi Quảng bá thời trang được thực hiện tốt, các nhà thiết kế sẽ giữ được đặc trưng thiết kế của mình bằng sự sáng tạo, lẫn hiểu được phản hồi, mong muốn của người mua để sản phẩm ngày càng được cải thiện hơn. Đây đúng là một công việc cần nhiều chất xám.

Các công việc của người làm Quảng bá thời trang?

Mảng nghiên cứu thị trường – xu hướng (định hướng, xử lý dữ liệu từ việc phân tích thị trường)

Mỗi thương hiệu thời trang đều cần có bản sắc riêng để tạo nên sự đặc biệt trong mắt người tiêu dùng, đó là lý do mà người xây dựng thương hiệu là không thể thiếu. Họ sẽ đưa ra được cá tính của thương hiệu và đảm bảo có sự thống nhất từ thông điệp, logo, cửa hàng, thiệp mời đến các hình ảnh trong Lookbook hay các bộ sưu tập. Khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà còn kết nối với lối sống, thông điệp mà thương hiệu mang lại như sang trọng hay tối giản, cá tính hay năng động. Từ đó người xây dựng hình ảnh thương hiệu sẽ định hình màu sắc bộ sưu tập, kiểu tóc khi chụp hình hay các vật dụng decor của cửa hàng … và nhiều các dụng ý khác nữa.

Ở mảng này sẽ có các vị trí:

  • Stylist: Họ là nhà tạo mẫu, là chuyên gia tư vấn về trang phục cho người mẫu khi họ chụp ảnh, xuất hiện trên báo chí, phương tiện truyền thông hoặc sự kiện.
  • Visual Merchandiser: là người bày trí, trưng bày, sắp xếp sản phẩm tại cửa hàng, phối quần áo sao cho khách hàng cảm nhận được tinh thần và phong cách của thương hiệu, từ đó sẵn sàng chi trả cho món hàng đó.
  • Graphic Designer: người thiết kế đồ họa cho các Lookbook, logo, tạp chí, ấn phẩm của thương hiệu đó.
  • Event Planner: điều phối viên cho các sự kiện và show diễn thời trang.
  • Fashion Journalism: biên tập viên, người sáng tạo nội dung cho các bài báo, sự kiện thời trang.
  • Fashion Photographer: người chịu trách nhiệm về các bộ ảnh thời trang.
Nguồn: ziprecruiter.com

Mảng vận hành – quy trình

Ở mảng này, người làm Fashion Marketing sẽ tính toán mỗi sản phẩm giá bao nhiêu, bán loại sản phẩm nào, bán ở đâu vì mỗi nơi có sức mua khác nhau. Mỗi khi có sản phẩm hay bộ sưu tập mới thì thường sẽ không phân bổ y chang nhau ở các cửa hàng mà tùy vào nơi và sức mua sẽ có loại hàng khác nhau. Ví dụ nơi nào có nhiều khách du lịch thì mặt hàng sẽ thông dụng và dễ mặc hơn, nơi nào có triển lãm nghệ thuật nhiều, hay đối tượng lui tới là những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật thì mặt hàng sẽ cá tính, có nhiều phong cách lạ mắt hơn.Những công việc ở mảng này là:

  • Quality Assurance: người chịu trách nhiệm về đảm bảo chất lượng sản phẩm.
  • Fashion Merchandise: người đảm nhận vai trò trưng bày sản phẩm tại cửa hàng, ảnh hưởng trực tiếp thị giác và tâm lý khách hàng, có tác động lớn đến quyết định mua hàng.
  • Fashion Buyers: người chịu trách nhiệm lựa chọn, đặt hàng những gì được bán trong cửa hàng để đảm bảo lợi nhuận tối đa.

Kỹ năng cần có để làm Quảng bá thời trang

Kiến thức về kinh doanh

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong lĩnh vực quảng bá thời trang là sự hiểu biết về kinh doanh để tạo ra các chiến lược bán hàng, thuyết phục người tiêu dùng rằng thương hiệu mình đáng để họ chi tiền. Ngoài ra, Fashion Marketing còn giải mã, phân tích tâm lý người mua, tìm hiểu điều gì hiệu quả và điều gì không của bộ sưu tập cũ để ứng dụng cho sản phẩm mới có kết quả kinh doanh tốt hơn.

Kỹ năng xử lý và thu thập thông tin

Kỹ năng này là việc bạn phân tích lại những thông tin thu nhận được, xem nó đúng hay sai, kiểm tra độ tin cậy cũng như tính chính xác khi thực hiện các nghiên cứu về thị trường. Từ những kỹ năng này, người làm Fashion Marketing sẽ có khả năng đưa ra lập luận về những dữ kiện mình có và mang lại chiến lược quảng bá cho bộ sưu tập.

Nguồn: adflex.vn

Giải quyết vấn đề

Điều gì sẽ thu hút sự chú ý của người mua hàng, nên sử dụng ngôn ngữ thế nào để phù hợp cho đối tượng mình muốn bán hàng, làm thế nào để  trò chuyện với người mua trên các kênh truyền thông khác nhau và làm thế nào để thương hiệu có thể nổi bật trong ngành thời trang cạnh tranh hiện tại? Những câu hỏi này sẽ được người làm Fashion Marketing cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra cách giải quyết và hướng đi cho thương hiệu.

Luôn tìm tòi, cập nhật về xu hướng

Thời trang nói riêng hay nghệ thuật nói chung luôn có sự đổi mới không ngừng, vì vậy việc quan tâm cập nhật đến các vấn đề thời sự và văn hóa, xu hướng (trend) nào đang thịnh hàng, bùng nổ trên mạng xã hội sẽ giúp rất nhiều cho công việc làm Fashion Marketing cũng như quảng bá đến được nhiều khách hàng hơn.

Nguồn: thuvienmuasam.com

Làm việc nhóm

Để một bộ sưu tập thời trang tung ra thị trường cần rất nhiều công đoạn và có sự góp sức của rất nhiều người. Khi đó, người làm Fashion Marketing không chỉ làm việc độc lập, mà họ còn phải học cách làm việc với cả một đội ngũ ở các vị trí khác nhau, do đó kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp cũng rất cần thiết.