Thiết kế sản phẩm chuyên biệt – Specialized Product Design

Thiết kế sản phẩm chuyên biệt là gì?

Sản phẩm chuyên biệt là sản phẩm thuộc nhóm đối tượng đặc biệt, thường là người già, trẻ em và người khuyết tật, nhóm này có các tâm lý, thói quen, nhu cầu và tiêu chí thiết kế khác với các nhóm đối tượng bình thường. Lúc này không chỉ là thiết kế để khiến người dùng mua sản phẩm mà là chúng thật sự có ích cho nhu cầu của họ, đáp ứng được những khó khăn về thói quen sử dụng và giúp họ cải thiện được đời sống.

Người thiết kế sẽ phải nghiên cứu kỹ về đối tượng sử dụng, thói quen của họ để tạo ra hình dáng, kích thước và màu sắc sản phẩm đồng thời áp dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào. Một số sản phẩm chuyên biệt mà người thiết kế cần làm như sản phẩm y tế, sản phẩm thể thao và sản phẩm cho người khuyết tật với các dạng khuyết tật cơ bản cùng các tiêu chí thiết kế khác nhau.

Quy trình thiết kế sản phẩm chuyên biệt 

1. Nghiên cứu sản phẩm và đối tượng 

Đối tượng đặc biệt bao gồm người khuyết tật, người già và trẻ em, từ đó các thói quen, giới tính, tâm lý, suy nghĩ, nhu cầu cũng đặc biệt mà người thiết kế cần dành thời gian nghiên cứu, thậm chí phải tiếp xúc và đặt mình vào vị trí của đối tượng này để biết họ cần gì, muốn gì. Từ đó thiết kế các sản phẩm phù hợp với họ theo tiêu chí thiết kế mà vẫn an toàn, bền vững và thân thiện, dễ sử dụng. 

2. Phác thảo

Phác thảo về ý tưởng sản phẩm, cùng là loại sản phẩm đó nhưng với đối tượng đặc biệt thì cần thiết kế thêm phần nào, giảm phần nào để họ dễ sử dụng nhất. Một số đối tượng đặc biệt khuyết tật về tay chân hay người khiếm thị, khiếm thính thì các sản phẩm cũng phải điều chỉnh cho phù hợp và quan trọng là không nên thiết kế mang tính trang trí hay chi tiết cầu kì vì tâm lý của họ vẫn muốn được xem như người bình thường chứ không phải cá thể tách biệt khỏi xã hội.

3. Bản vẽ

Bản vẽ kỹ thuật sẽ thể hiện thông số về sản phẩm, bản vẽ càng chi tiết thì càng dễ trong việc tạo hình, lắp đặt và sản xuất sản phẩm. Trong quá trình thiết kế sản phẩm cũng có thể thêm các lựa chọn về màu sắc hay chất liệu để tăng thêm tính thẩm mỹ bên cạnh công năng.

4. Bản vẽ trên máy và mô hình

Ngoài bản vẽ kỹ thuật thì có thể dựng mô hình 3D trên máy và làm mô hình thật bên ngoài để hình dung. Sản phẩm cần mang tính ứng dụng cao nên đặc biệt phải dựng mô hình để biết những thông số trên lý thuyết đó có thật sự giúp cho nhóm đối tượng này cải thiện về đời sống không. Thậm chí có thể sản xuất một vài sản phẩm rồi khảo sát trải nghiệm người dùng để quay lại chỉnh sửa cho phù hợp.

Các kỹ năng cần có để thiết kế sản phẩm chuyên biệt 

  • Kỹ năng nghiên cứu và phân tích
  • Kỹ năng thể hiện tay và mô hình
  • Sử dụng phần mềm máy tính
  • Khả năng sáng tạo
  • Khả năng thẩm mỹ