Thiết kế công nghiệp – Industrial Design là gì?
Bạn có để ý khi thấy một bạn nam lái chiếc Exciter nhìn thật trẻ và năng động, còn một cô gái đi Vespa thì tôn lên vẻ đẹp và dáng của cô ấy. Hay một đôi giày Nike khi mang vào cảm thấy mình trẻ ra vài tuổi trong khi các loại giày da thì khiến cho mình trông chững chạc hơn. Cũng là dầu gội nhưng khi nhìn lướt qua mình có thể biết loại nào cho nam, loại nào cho nữ hay với các đồ trang trí và gia dụng đều có hình dáng khác nhau. Vậy từ đâu mà chúng ta có “sự phân biệt trong tiềm thức” ấy nhỉ?
Đó là việc bộ não bạn đã bị đánh lừa bởi những nhà thiết kế, cụ thể trong trường hợp này là những nhà Thiết kế công nghiệp (hay còn gọi là Tạo dáng công nghiệp). Công việc chính của họ là thiết kế mẫu mã, bao bì của mọi thứ xung quanh mà chúng ta thấy từ điện thoại, xe máy, xe hơi, tủ lạnh, tivi, giày dép, đồ chơi, tuýp kem,… Họ tạo ra hình dáng của sản phẩm, giúp cho chúng trở nên sang trọng hay bình dân, thân thiện hay đắt đỏ nhưng cũng quan tâm đến công năng và các thông số kỹ thuật. Có thể nói họ thiết kế mọi sản phẩm xung quanh chúng ta.
Ngành Thiết kế công nghiệp học gì?
Thiết kế phụ trang
Thiết kế phụ trang là sáng tạo ra các phụ kiện trang phục hoặc tân trang những mẫu đã có sẵn, đồng thời cũng áp dụng nghệ thuật vào thiết kế. Xem chi tiết
Thiết kế đồ chơi
Người thiết kế đồ chơi sẽ là người sáng tạo ra các loại đồ chơi dưới nhiều hình dáng, chức năng và vật liệu khác nhau. Xem chi tiết
Thiết kế sản phẩm chuyên biệt
Thiết kế sản phẩm chuyên biệt là thiết kế để chúng thật sự có ích, đáp ứng được những khó khăn về thói quen của người già, người khuyết tật. Xem chi tiết
Thiết kế bao bì – Packaging
Bao bì chính là trang phục cho sản phẩm, giúp người mua hàng nhận biết đó là thương hiệu nào, sản phẩm là gì, lẫn phân khúc ra sao. Xem chi tiết
Thiết kế sản phẩm điện máy
Thiết kế sản phẩm điện máy là thiết kế về hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp cùng công nghệ điện máy bên trong. Xem chi tiết
Thiết kế sản phẩm nội thất
Thiết kế sản phẩm nội thất là làm ra một sản phẩm cụ thể trong không gian bên trong công trình, như giường, tủ, bàn ghế… Xem chi tiết
- Công thái học – Ergonomic
- Mỹ thuật cơ bản, Hình họa
- Hình khối cơ bản
- Trang trí cơ bản và chuyên ngành
- Lịch sử Mỹ thuật, lịch sử Tạo dáng
- Kỹ thuật mô hình (nặn đất sét, đổ khuôn nhựa, tạo hình bằng xốp)
- Nguyên lý thị giác
- Nguyên lý thiết kế tạo dáng
- Nghệ thuật chữ
- Kỹ thuật vật liệu
- Thiết kế nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm
- Kỹ thuật nhiếp ảnh
Ngoài ra còn được học một số đồ án chuyên ngành như
- Thiết kế sản phẩm nội thất
- Thiết kế phụ trang
- Thiết kế đồ chơi
- Thiết kế sản phẩm quà tặng
- Thiết kế sản phẩm chuyên biệt
- Thiết kế đồ gia dụng
- Thiết kế sản phẩm thủ công truyền thống,…
Học Thiết kế công nghiệp xong có thể làm nghề gì?
Thiết kế công nghiệp (Industrial Design) hay Tạo dáng công nghiệp là một chuyên ngành của Mỹ thuật ứng dụng, sử dụng các kiến thức gồm mỹ thuật và công nghệ nhằm cải thiện tính thẩm mỹ, công năng của sản phẩm. Nếu như các ngành Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật công nghiệp tập trung vào việc làm ra chức năng của sản phẩm (sản phẩm đó dùng để làm gì) thì Thiết kế công nghiệp còn góp phần tạo ra hình dáng của sản phẩm (sản phẩm đó có hình dáng như thế nào).
Vì thế Thiết kế công nghiệp liên quan nhiều đến mỹ thuật, kiểu dáng, công năng sản phẩm, công thái học (bạn cầm nắm hay sử dụng nó dễ dàng không) và cả tâm lý người tiêu dùng nữa. Ví dụ có một cái máy, thì định nghĩa đơn giản là kỹ sư sẽ thiết kế máy vận hành thế nào, còn nhà thiết kế công nghiệp sẽ tạo dáng bên ngoài về cầm nắm, màu sắc bắt mắt ra sao, hình khối hiện đại hay phù hợp với đối tượng sử dụng thế nào.
Một số các mảng công việc của ngành thiết kế công nghiệp
- Thiết kế bao bì – in ấn (Packaging): Nhà thiết kế sẽ chọn lọc cấu trúc, vật liệu để đựng sản phẩm và thiết kế về mặt bao bì, tạo ra sự thu hút từ việc kết hợp hình ảnh, màu sắc, font chữ sao cho tiện dụng, tiết kiệm chi phí mà vẫn gây được ấn tượng với khách hàng.
- Thiết kế sản phẩm thủ công truyền thống: Các sản phẩm thủ công truyền thống thường được nhắc đến với việc làm hoàn toàn bằng tay với các vật dụng đơn giản nhưng vẫn mang đến vẻ đẹp của sự khéo léo và kỹ thuật truyền thống, một số sản phẩm có thể kể đến như mây tre lá, lục bình, các vật dụng làm từ gốm sứ,…
- Thiết kế phụ trang: Thiết kế các phụ kiện thời trang.
- Thiết kế đồ chơi (Toy Design): Thiết kế đồ chơi cho trẻ em đòi hỏi phải am hiểu tâm lý của trẻ cũng như các chất liệu để đảm bảo đủ độ an toàn, hình dáng bắt mắt thu hút nhưng cũng đem lại sự sáng tạo, rèn luyện tính tư duy cho trẻ.
- Thiết kế sản phẩm điện máy: Thiết kế đồ gia dụng.
- Thiết kế sản phẩm chuyên biệt: Thiết kế các vật dụng cho người khuyết tật.
- Thiết kế sản phẩm nội thất: Thiết kế những vật dụng, đồ đạc, thiết bị đặt vào không gian (nhà ở, nơi làm việc) hoặc các sản phẩm trang trí cho không gian đó sao cho thuận tiện trong quá trình sử dụng và mang lại sự thu hút và cảm xúc cho người dùng.
Các kỹ năng cần có để học thiết kế công nghiệp
Kỹ năng phác thảo
Chắc chắn rồi, đây là kỹ năng buộc phải có của tất cả các nhà thiết kế nói chung, kỹ năng này sẽ giúp bạn phác thảo ra ý tưởng và định hình được sản phẩm. Tuy nhiên trước khi có được thành phẩm cuối cùng thì cũng đã có không ít bản phác thảo bị bỏ đi, chứng tỏ phác thảo cũng không phải việc dễ dàng gì đâu.
Kiến thức về vật liệu
Những nhà thiết kế công nghiệp đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm rất nhiều các loại vật liệu từ gốm sứ, kim loại, nhựa, thủy tinh, vải,… để hiểu được tính chất cũng như cảm giác mà những loại vật liệu này mang lại cho người dùng. Ví dụ, khi bạn mặc áo lụa thì bạn cảm giác mình quý phái sang trọng, nhưng khi mặc áo vải kaki thì bạn lại thấy mình thật mạnh mẽ, gai góc. Hay việc chọn lựa vật liệu thủy tinh hay nhựa cho một chai nước sẽ mang đến cảm giác khác nhau. Vì vậy tất cả vật liệu của đồ dùng xung quanh đều được thiết kế có chủ đích.
Kiến thức tâm lý học
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Các nhà thiết kế công nghiệp sẽ học về tâm lý học, nghiên cứu hành vi cũng như tâm lý mua hàng của đại đa số người tiêu dùng, từ đó phát triển các mẫu thiết kế “nhắm trúng đích” đối tượng khách hàng.