Bố cục màu là gì?

Bố cục màu trong mỹ thuật thường nhắc tới là bố cục tranh sinh hoạt người, khác hoàn toàn với môn trang trí màu. Nếu trang trí là cách điệu và chia mảng cùng sự tỉ mỉ sắc nét trong nét vẽ thì bố cục màu lại tập trung vào phần bố cục và màu sắc, có hơi hướng tả thực một chút chứ không cách điệu. Chủ đề của bố cục màu sẽ xoay quanh hoạt động sinh hoạt của con người nên con người là chủ thể chính, vì thế cần có kiến thức về ký họa dáng người và con người trong không gian xa gần cùng với cách sắp xếp bối cảnh xung quanh. 

Khi học bố cục màu ta sẽ nắm được những quy tắc về bố cục, ở đây không còn là bố cục đối xứng hay lặp lại mà là cách sắp xếp 5-6 người trong một khung cảnh, lựa chọn nhân vật chính hoặc chia nhóm người và tạo sự liên kết, tương tác giữa các nhóm đó với nhau. Về màu sắc cũng tuân theo các nguyên tắc nóng lạnh, tươi trầm, tương phản, tương đồng để tạo nên sự hài hòa và thường có tác động lên nhân vật và bối cảnh. Bố cục màu thường được ứng dụng trong hội họa, sư phạm mỹ thuật hơn là thiết kế, tạo nên các bức tranh thể hiện khía cạnh thực tế cuộc sống con người. 

Quy trình một bài bố cục màu

1. Ký họa dáng người

Để có thể bố cục một nhóm người trong tranh thì trước tiên cần ký họa dáng người riêng lẻ để làm quen với tỉ lệ và các tư thế hoạt động. Ký họa hoặc phác thảo đủ các tư thế sinh hoạt ở các chủ đề khác nhau, hoặc phác thảo một nhóm người đang làm việc sẽ giúp ta có thêm tư liệu về dáng người để dễ dàng áp dụng vào bài cũng như có nhiều phương án phong phú hơn là tự nghĩ ra tư thế, dáng người.

2. Phác thảo bố cục

Có rất nhiều chủ đề về bố cục như lễ hội, lao động sản xuất, gia đình, việc làm có ý nghĩa… từ những bài ký họa dáng người, ta có thể dễ dàng phác thảo bố cục của tranh theo từng chủ đề. Bố cục lúc này là lựa chọn nhân vật chính hoặc nhóm nhân vật chính và cho họ vào trung tâm bức tranh hoặc thường ở vị trí thu hút mắt nhất, kế đó bố trí các nhân vật phụ có sự tương tác cùng với bối cảnh. Các bài phác thảo bố cục có thể thực hiện ở khổ giấy nhỏ hơn để chọn lựa ra các phương án phù hợp rồi mới lên bản lớn sau. Bên cạnh việc chọn sắp xếp nhóm người như thế nào thì góc nhìn cũng là một dạng bố cục, ví dụ góc nhìn xa, gần, góc nhìn chính diện hay khuất tầm mắt, góc nhìn từ trên xuống hoặc từ dưới lên … mỗi góc nhìn này đều sẽ thể hiện ý nghĩa khác nhau cho bức tranh.

3. Sắc độ

Khi đã có bố cục và nhân vật đầy đủ thì tiếp đến là bước lên sắc độ. Tương tự như trang trí màu, đây là một bước nhỏ nhưng quan trọng để giúp ta hình thành sắc độ trước khi lên bài lớn. Sắc độ lúc này có thể bị chi phối bởi ánh sáng trong tranh, ban ngày hay ban đêm, hướng bóng đổ hoặc bởi nhân vật chính thì sắc độ sẽ cần nổi bật hơn, hoặc không gian gần thì sắc độ rõ ràng, có tương phản còn không gian xa sẽ mờ hơn, ít tương phản hơn. Sắc độ nhằm quyết định hướng sáng chính trong bài cũng như tách biệt chính phụ và làm cho các chi tiết không bị lẫn vào nhau.

4. Lên màu

Bước cuối cùng chính là lên màu theo sắc độ đã định hình trước, màu sắc sẽ giúp tranh trở nên bắt mắt và sinh động hơn. Cách lên màu tranh bố cục sẽ khác với trang trí, là không ke sắc nét mà thoải mái trong việc đắp màu, đắp mảng lớn sao cho mỗi nhân vật hay bối cảnh đều thể hiện được 3 sắc độ sáng, trung gian, tối để tạo độ sâu cho bài chứ không đi kỹ vào chi tiết. Một bài bố cục nên có màu sắc hài hòa giữa nóng và lạnh cũng như có sự liên kết, tương tác màu lẫn nhau.

Các kỹ năng cần có để làm tốt bố cục màu

Kỹ năng phác thảo, ký họa dáng

Việc ký họa nhiều dáng người sẽ giúp bạn quen với tư thế và tỉ lệ trên cơ thể người, từ đó có ích cho việc phác thảo nhanh về người và về bố cục trong tranh. Các dáng người gắn liền với tư liệu thực tế cũng sẽ sinh động, chân thật hơn, không bị đơ cứng, nhàm chán.

Phác thảo về bố cục

Rèn luyện khả năng sắp xếp bố cục trong tranh để có một bố cục vừa đủ, không quá to, không quá nhỏ, không lệch bố cục về một bên, không mất cân bằng thị giác…

Hiểu được các quy tắc cơ bản về màu

Từ màu cơ bản, màu bổ túc, màu nóng lạnh, màu tương đồng, tương phản, màu tươi, màu trầm… tất cả những quy tắc này đều có thể được vận dụng vào bài.

Ánh sáng và phối cảnh

Bố cục màu sẽ tuân theo cảnh thực tế cuộc sống con người nên cần có kiến thức về ánh sáng để diễn tả đúng sắc độ, độ sâu trong bài, còn về phối cảnh thường dùng cho phần nền phía sau hoặc với các không gian gần to xa nhỏ hay các bố cục theo điểm tụ phối cảnh.