Hình họa

Ngay từ các kỳ thi tuyển sinh đầu vào ở các trường mỹ thuật thì hình họa là môn thi bắt buộc, thậm chí là điểm nhân đôi. Ở các chuyên ngành về mỹ thuật thì thời lượng học hình họa trải dài suốt chương trình đào tạo, là nền tảng vững chắc cho các môn học khác cũng như rèn luyện khả năng quan sát, cảm thụ và thể hiện bài vẽ. Vậy hình họa là môn học như thế nào mà lại quan trọng đến thế?

Hình họa là gì?

Hình họa là môn cơ sở ngành (cơ bản) đối với sinh viên mỹ thuật, là dùng hình vẽ để mô tả lại đối tượng có thật mà mắt quan sát được hay còn gọi là vẽ theo mẫu. Hình họa sẽ yêu cầu về đường nét, mảng, hình khối, sáng tối, đậm nhạt để vừa thể hiện được tỉ lệ chính xác về hình, vừa diễn tả chất liệu và tạo ra độ sâu không gian ba chiều trên giấy. Cũng giống như việc bạn học toán cần có nền tảng về các phép tính, công thức thì khi học mỹ thuật bạn cũng cần có nền tảng về hình họa vậy, cũng có công thức về bố cục, phối cảnh, về quy luật sáng tối và hình khối, cấu trúc. 

Hình họa không chỉ quan trọng đối với chuyên ngành mỹ thuật như hội họa, điêu khắc mà kể cả lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng như thiết kế đồ họa cũng rất cần thiết. Tùy chương trình học mà sẽ có các bài tập về hình họa khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, từ trắng đen đến màu sắc, từ mẫu tĩnh sang mẫu động. Cụ thể ở ngành Hội họa này thì bạn sẽ làm quen với hình hoạ chì và than, từ tĩnh vật đến vẽ người, chân dung đến toàn thân.

Quy trình làm một bài hình họa

1. Chuẩn bị dụng cụ, chọn góc vẽ

Khi bắt đầu một bài vẽ chì hoặc than thì sinh viên sẽ cần chuẩn bị đầy đủ họa cụ như giấy, bút chì, que đo, gôm, than, giá vẽ và bút chì phải được vuốt nhọn sẵn. Thông thường chương trình đào tạo sẽ làm quen với tĩnh vật trước rồi mới đến vẽ mẫu người thật, mẫu nam rồi đến mẫu nữ. Tư thế của mẫu sẽ được giáo viên sắp xếp, lúc này sinh viên dựa trên mẫu để tìm cho mình một góc vẽ phù hợp để thấy bao quát được mẫu mà không bị chắn tầm nhìn. 

2. Quan sát mẫu và dựng bố cục

Đối với mẫu người thật, sinh viên cần phải quan sát đặc điểm mẫu trước khi đặt bút vẽ, việc này sẽ giúp rèn luyện khả năng phân tích từ đó vẽ giống mẫu nhất có thể. Sau khi đã quan sát xong, họ sẽ tiến hành dựng bố cục hay còn gọi là khung hình chung, bố cục cần phải căn giữa tờ giấy và có độ lớn vừa phải, không được quá to hay quá nhỏ. Nếu không xác định bố cục ban đầu thì rất dễ dẫn đến bài vẽ bị lệch khi đã lên chi tiết rồi, lúc đó sẽ khó sửa hơn.

3. Dựng hình

Phác thảo và dựng hình là phần đầu tiên trong các bài hình họa, họ sẽ dùng đến que đo hoặc bút chì để đo đạc các tỉ lệ chung và riêng. Cho dù là vẽ tĩnh vật, chân dung hay toàn thân thì quy trình luôn đi từ dựng hình tổng quát đến chi tiết. Bên cạnh việc vẽ cho đẹp thì bài hình họa cần phải đúng hình, đúng tỉ lệ trước đã, vì thế nên bước dựng hình ban đầu rất quan trọng.

4. Đánh bóng

Sau phần dựng hình thì sẽ đến phần tạo sắc độ cho bài, hay còn gọi là đánh bóng, với chất liệu chì và than khi dùng sẽ khác nhau nhưng vẫn giống nhau về cách lên sáng tối lớn. Sinh viên sẽ thể hiện bài sao cho rõ khối, hướng ánh sáng, phần trung gian, phần tối, phản quang và các chi tiết về sáng tối khác. 

5. Hoàn thiện bài

Để có thể hoàn thiện bài, họ sẽ cần thêm một bước để tả chiều sâu cho không gian. Lúc này họ sẽ có thể tả không gian xung quanh và chất liệu của bài, ví dụ như tĩnh vật thì có chất liệu thủy tinh, gốm sứ, chân dung thì có chất liệu da người.

Các kỹ năng cần có để làm tốt môn hình họa

Quan sát và nắm đặc điểm mẫu

Kỹ năng này thường không được nhắc đến nhưng nếu bạn rèn luyện được thì sẽ giúp bạn sẽ vẽ giống mẫu hơn, nắm được tinh thần và đặc điểm của mẫu, nhất là khi vẽ người.

Kỹ năng phác thảo và đo đạc

Việc đo đạc sẽ giúp bạn dựng hình đúng hơn, luyện tập lâu dài bạn sẽ chọn lựa được cách đo phù hợp với mình và phác thảo cũng nhanh hơn.

Hiểu về bố cục, cấu trúc và tỉ lệ

Môn vẽ không chỉ có vẽ mà vẫn có những quy luật mà bạn cần phải biết cũng như nắm rõ, như tỉ lệ ngang dọc, cách bố cục khung hình trong tờ giấy, cấu trúc các khối cơ bản, quy luật phối cảnh áp dụng cho góc nghiêng, trục đối xứng …

Các quy luật sáng tối

Tương tự với dựng hình thì đánh bóng cũng có quy luật về sáng tối, như đường ranh giới sáng tối lớn, phần sáng – trung gian – tối, phần phản quang, cách đánh bóng để diễn tả khối,… 

Tả khối và không gian