Tranh lụa là gì?
Tranh lụa là một dạng vẽ tranh trên nền tấm vải lụa, được căng sẵn trên khung thay vì vẽ trên giấy hay canvas. Thường họa sĩ sẽ dùng màu nước hoặc mực nho để vẽ, tranh lụa chủ yếu mô tả chân dung, phong cảnh hoặc các bố cục sinh hoạt của người dân lao động. Điểm đặc trưng của tranh lụa chính là sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc, vì màu dễ phai và ngấm vào từng thớ lụa nên sắc độ sẽ không quá đậm. Người họa sĩ thường vẽ từ nhạt đến đậm và chồng lớp lên nhau, muốn đậm có khi phải chồng rất nhiều lớp.
Người vẽ tranh lụa phải có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ vì tốn thời gian lên từng lớp màu, lớp trước sẽ phai đi rồi lại vẽ tiếp tới khi như ý. Về kỹ thuật cũng tương tự như màu nước, có thể vẽ khi lụa còn ẩm để hòa màu hoặc khi cọ khô để viền nét rõ ràng. Tranh lụa vẽ xong sẽ được bồi lên một lớp giấy, khi khô hoàn toàn có thể rạch phần tranh ra, nó sẽ cứng cáp hơn cũng như lên màu rõ hơn, sau đó lồng vào khung kính tùy mục đích sử dụng.
Quy trình vẽ tranh trên lụa
1. Phác thảo
Đầu tiên cần căng lụa thật căng trên khung, vì đặc tính dễ phai nên phải quét một lớp hồ lên tranh để giữ được màu sắc. Phác thảo tranh muốn vẽ, lụa cũng có các kích thước thì nhỏ đến to nên có thể tùy ý trong việc chọn lựa chủ đề và sắp xếp bố cục. Vẫn tuân theo các quy tắc bố cục thường thấy trong tranh nhưng ở đây, bản thân lụa có tính chất mong manh, nhẹ nhàng nên bố cục sẽ không quá ngộp hay có nhiều chi tiết.
2. Dựng hình
Có thể dựng chì trên nền lụa hoặc dựng trực tiếp bằng màu. Đôi khi có thể dựng sơ phác về tổng quan, khung hình chung các sự vật rồi sẽ dùng màu lên chi tiết sau, việc vẽ lụa rất thoải mái nhẹ nhàng, không cần đặt nặng đi sâu vào chi tiết mà sẽ gợi nhiều hơn. Với các bài bố cục người, phần sau nền có thể để trống hoặc tả nhẹ, có khi không cần phải tuân theo phối cảnh, chỉ cần tạo được cảm giác không gian xa gần. Trong các mảng trống, có thể đưa các họa tiết mang tính trang trí vào để tranh không đơn điệu và cũng thu hút hơn.
3. Lên màu
Bản chất tranh lụa dễ phai màu nên cũng hạn chế trong việc tả khối nổi rõ ràng, ánh sáng, tả thực, không gian hay màu sắc rực rỡ. Thay vào đó, lụa sử dụng các mảng và nét để gợi lên hình ảnh và không gian. Lên màu từ các màu nhạt rồi đến đậm, thông thường cũng sẽ mất nhiều thời gian vì mỗi một lớp màu ngấm xuống, nó sẽ nhạt đi, người họa sĩ lại phải lên tiếp sắc độ. Cái hay ở chỗ dù có chồng nhiều lớp bao nhiêu nó vẫn sẽ hòa vào nhau một cách nhẹ nhàng mà không để ranh giới thô cứng, vệt màu như là trong tranh sơn dầu hay acrylic.
Các kỹ năng cần có để vẽ lụa
Sử dụng chất liệu
Lụa phải được căng thẳng trên khung, hồ quét lụa là bột gạo trộn với một ít phèn, có thể quét trước và sau khi vẽ… Làm quen với các quy trình vẽ lụa sẽ giúp bạn có thể lên màu bức tranh của mình một cách tốt nhất, không chì nhờ vào màu mà còn ở chính các công đoạn chuẩn bị, quét hồ cho nó.
Bố cục và đường nét
Cần thoải mái, nhẹ nhàng và thả nhẹ ở các không gian xa. Bố cục cũng tuân theo các quy luật như phân chia sắp xếp nhóm người, phối cảnh gần to xa nhỏ, không lệch bố cục hay nặng mắt về bên nào. Đường nét cũng nên mềm mại, mỏng, không viền hình quá nhiều mà chủ yếu dùng mảng màu để thể hiện.
Màu sắc
Việc lên màu có thể hơi khó với các bạn ban đầu vẽ chất liệu này vì nó sẽ rất nhạt, không tạo được hiệu ứng mạnh hay tương phản mạnh như các chất liệu khác. Vì vậy mà việc lên màu cũng sẽ được tính toán để nhiều lớp màu hòa lại với nhau chứ không chỉ tô đi tô lại một màu cho đậm.