Sản xuất phim
Bạn có để ý khi xem một bộ phim ngắn hay các series phim dài tập, điều gì làm bạn ấn tượng nhất không? Là diễn viên đẹp, diễn xuất đỉnh hay cốt truyện thú vị mới mẻ khiến bạn tò mò, hay do các cảnh quay quá đẹp, âm thanh thì sâu lắng, thông điệp có khi chạm đến trái tim khiến bạn phải rơi nước mắt. Tất cả những yếu tố tạo nên bộ phim đó đều cần có sự đầu tư trong một khoảng thời gian dài, ngay cả một bộ phim ngắn dài 90 phút cũng có thể mất đến vài tháng thậm chí vài năm để tạo ra được, và đứng sau đó chính là cả một quy trình sản xuất phim.
Sản xuất phim là gì?
Sản xuất phim là tất cả quá trình để tạo ra một bộ phim, đồng hành trong quá trình này là nhà sản xuất phim (Producer), người này có vai trò quan trọng chỉ đạo cả đoàn phim, biến những ý tưởng trở thành thông điệp đưa lên màn ảnh để ra mắt với công chúng. Họ sẽ giám sát tất cả khía cạnh của một bộ phim, từ kịch bản, nhân vật, hình ảnh, âm thanh, địa điểm xung quanh cho đến lịch trình, kỹ thuật, chỉnh sửa, ngân sách và quảng bá phim khi ra mắt.
Quy trình sản xuất phim
1. Phát triển kịch bản
Một bộ phim sẽ thường bắt đầu từ việc tìm kiếm ý tưởng, nghiên cứu thông tin đến phát triển thành kịch bản. Kịch bản phim có thể dựa trên tiểu thuyết, truyện tranh, chuyện có thật, phim tài liệu hoặc cả bản làm lại (remake), live-action … Nhà sản xuất phim thường sẽ tìm ra những thông điệp trong đời sống bình thường hoặc các khía cạnh mới mẻ và thú vị để khai thác, một số phim remake hay live-action thường đã có sẵn kịch bản nhưng họ vẫn sẽ thêm thắt các yếu tố mở rộng câu chuyện, tạo ra một cái kết mới hoặc thêm bớt nhân vật để gây ấn tượng với khán giả. Sau khi kịch bản được hoàn thành và thống nhất từ các bên, nhà sản xuất sẽ xác định rõ thể loại phim, đối tượng khán giả, độ khả thi và dự trù kinh phí để bộ phim được đi đúng hướng cũng như đảm bảo thành công về doanh thu cho phim.
2. Tiền kỳ
Là giai đoạn bắt đầu triển khai kế hoạch, sắp xếp thời gian, chọn ra đội ngũ sản xuất chính để tiến hành xây dựng phim dựa trên kịch bản đã hoàn thành. Nhà sản xuất sẽ chọn ra biên kịch, đạo diễn, diễn viên cũng như duyệt địa điểm quay, thuê xưởng phim, đưa ra lịch trình và ngân sách cho cả đoàn phim. Giai đoạn tiền kỳ sẽ thường tốn nhiều thời gian trước khi bắt đầu quay một bộ phim, tuy nhiên nó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và giai đoạn sản xuất về sau được tiến hành suôn sẻ hơn.
3. Sản xuất
Chuẩn bị ở giai đoạn tiền kỳ kỹ lưỡng thì sẽ bước vào giai đoạn quay và tạo ra các cảnh phim. Khâu này đạo diễn là người chịu trách nhiệm chính để đảm bảo về mọi mặt như âm thanh, ánh sáng, diễn xuất thống nhất và đồng bộ trong toàn quá trình. Trước khi quay các diễn viên sẽ được hóa trang, tạo hình và được đạo diễn miêu tả cách diễn, tâm lí nhân vật để hình dung trong cảnh quay đó. Thông thường một cảnh sẽ phải quay lại nhiều lần để chọn ra cảnh quay ưng ý nhất, giai đoạn này cần có sự phối hợp của tất cả các bên như phụ trách quay phim, phụ trách nghệ thuật, thiết kế phục trang, thiết kế âm thanh và cả biên đạo.
4. Hậu kỳ
Sau khi giai đoạn quay hoàn tất, các cảnh sẽ được dựng, sắp xếp và chỉnh sửa, cắt ghép để thành một bộ phim. Đây cũng là khâu kĩ thuật thực hiện các kỹ xảo điện ảnh như âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng, màu sắc … và đưa ra bản chốt cuối cùng. Bộ phim sẽ thực sự hoàn thành khi chiếu thử cho đạo diễn, nhà sản xuất phim và khiến họ hài lòng.
5. Phát hành
Cuối cùng chính là giai đoạn quảng bá cho bộ phim, tạo poster phim, cắt các tình tiết gây cấn để làm trailer, teaser và quảng cáo liên tục trước và trong giai đoạn ra mắt phim để đảm bảo thu hút được khán giả cũng như tạo doanh thu cho bộ phim.
Nhà sản xuất phim sẽ làm việc với ai?
Nhà sản xuất phim sẽ làm việc với cả đội ngũ và giám sát tất cả các quy trình, cụ thể họ sẽ làm việc với các vai trò sau:
Biên kịch
Nếu dựa trên một kịch bản gốc thì không cần vị trí này, nhưng nếu muốn khai thác thêm các khía cạnh mới mẻ thú vị khác hoặc tạo ra một cốt truyện mới thì sẽ cần làm việc với một biên kịch “mát tay”.
Đạo diễn và trợ lý đạo diễn
Nhà sản xuất phim là người chọn ra một đạo diễn giỏi sẽ giúp cho bộ phim thành công hơn và trao đổi về các quá trình sản xuất phim.
Phụ trách casting
Quản lý việc chọn ra các diễn viên thích hợp cho nhân vật.
Phụ trách trường quay
Tìm kiếm và duyệt các địa điểm sẽ thực hiện cảnh quay.
Phụ trách sản xuất
Quản lý ngân quỹ và lịch sản xuất.
Phụ trách quay phim
Kiểm soát việc quay các cảnh phim, sắp xếp bố cục trong một khung hình, vị trí đặt máy quay…
Phụ trách nghệ thuật
Quản lý các mặt nghệ thuật như phục trang, hóa trang, kiểu tóc và xây dựng bối cảnh cho các cảnh quay.
Thiết kế âm thanh
Xây dựng các âm thanh ngoài những phần thu trực tiếp từ trường quay và kết hợp lại, hoặc soạn nhạc nền và các bài hát chủ đề cho phim.
Biên đạo
Thiết kế và phối hợp các đoạn múa cho phim, nhất là các phim ca nhạc, hoặc phim về hành động chiến đấu thì sẽ chỉ đạo võ thuật và xây dựng các đoạn chiến đấu.
Những kỹ năng cần có để làm sản xuất phim
Lãnh đạo và làm việc nhóm
Vì một nhà sản xuất phim thường phải làm việc với tất cả các phòng ban phụ trách nên cần có khả năng lãnh đạo và chia việc cho mọi người, đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát và trò chuyện trao đổi để họ nắm được ý tưởng và thông điệp mà nhà sản xuất muốn mang đến thông qua bộ phim.
Ý tưởng và sáng tạo
Một bộ phim thường tốn nhiều kinh phí và với thị trường phim ảnh ngày càng cạnh tranh thì đòi hỏi bạn cần có sự sáng tạo trong cốt truyện hoặc thông điệp mang đến, để bộ phim của bạn phải ấn tượng khiến khán giả muốn xem.
Kỹ năng điện ảnh
Dù đã có bên phụ trách quay phim và đạo diễn đảm nhiệm phần này nhưng bạn vẫn phải có kỹ năng về bố cục, góc máy, chuyển cảnh cũng như việc biến kịch bản thành một phân cảnh như thế nào thì mới có thể cho ra một bộ phim chất lượng.
Hiểu về tâm lí nhân vật
Hiểu rõ tâm lí để truyền đạt cho diễn viên hiểu được cũng như chọn diễn viên thể hiện được nhân vật mà mình mong muốn. Để tạo ra một nhân vật chân thực nhất, nhà sản xuất không chỉ phải hiểu rõ tâm lí, cảm xúc, hành vi mà có khi còn cần phải trải qua chính cảm giác của họ trong câu chuyện.
Kỹ năng giám sát, phân tích và đưa ra quyết định
Nhà sản xuất sẽ không hẳn là người trực tiếp nhúng tay vào công việc mà là giám sát mọi người làm và đảm bảo công việc tiến hành trôi chảy, từ đó cần có khả năng phân tích và đưa ra quyết định, biết được nên chọn phương án nào, địa điểm quay nào, chọn diễn viên nào …
Kỹ năng về hậu kỳ, chỉnh sửa
Một bộ phim hành động chiến đấu sẽ cần hiệu ứng chỉnh sửa khác hay phim về tình cảm lãng mạn sẽ cần hiệu ứng khác. Từ đó mà người sản xuất phim sẽ kiểm soát phần hậu kỳ cuối cùng để chuẩn bị ra mắt công chúng.
Gu thẩm mỹ về hình ảnh, âm thanh
Bên cạnh việc hiểu về bố cục, góc máy thì cần có gu thẩm mỹ về hình ảnh cũng như âm thanh để kết hợp với phần quay phim tạo ra thước phim hoàn thiện. Một số các bộ phim sẽ cần bài hát chủ đề hoặc bài hát trong từng phân cảnh vui – buồn nên kiến thức về âm nhạc cũng rất cần thiết.
Khóa học ở trung tâm dạy nghề
Tin tuyển dụng
Xem thêm tin tuyển dụng