Sơn dầu
Bạn đã từng nghe qua chất liệu sơn dầu chưa, nếu đã từng đến bảo tàng để xem tranh thì chắc hẳn bạn sẽ thấy qua tranh sơn dầu. Hoặc những tuyệt tác của các danh họa thời xưa vẽ bằng sơn dầu đa phần ít nhiều vẫn tồn tại đến bây giờ và còn giữ được nguyên vẹn sắc màu của nó. Có thể nói sơn dầu đã xuất hiện từ rất lâu, là một chất liệu được họa sĩ sử dụng phổ biến, có thể tồn tại qua nhiều thập kỷ và mang lại hiệu ứng, bút pháp đa dạng trong tranh.
Sơn dầu là gì?
Sơn dầu là một loại chất liệu dùng để vẽ tranh rất phổ biến trong ngành hội hoạ dựa vào sự kết hợp của màu và dầu. Khác với các loại màu vẽ khác, sơn dầu có thể vẽ lên nhiều chất liệu như gỗ, tường, vải canvas, kim loại và thường tồn tại lâu với thời gian cùng với độ chồng lớp vô cùng dày đặc. Chúng thường có thời gian khô lâu, vì vậy mà sẽ tốn nhiều thời gian, công sức để hoàn thành nhưng cũng dễ dàng chỉnh sửa và chồng lớp liên tục.
Người họa sĩ thường vẽ sơn dầu trên vải được căng sẵn, chất liệu này không thấm nước và có độ che phủ mạnh nên có thể tạo nhiều hiệu ứng và chiều sâu trong tranh, được rất nhiều họa sĩ ưa thích và thường dùng cho các loại tranh khổ lớn. Tuy nhiên chất liệu này cũng không dễ sử dụng, phải hòa trộn với dung môi như dầu lanh, dầu thông, rửa cọ cũng phải dùng loại chuyên dụng, phải biết cách bảo quản và vệ sinh cọ để có thể sử dụng lâu dài. Việc vẽ sơn dầu đòi hỏi vừa có kiến thức hình họa, dựng hình vững vừa phải kết hợp màu sắc nóng lạnh, sáng tối sao cho hài hòa và đặc tả được chất liệu trong tranh.
Quy trình vẽ một bức tranh sơn dầu
1. Chuẩn bị dụng cụ, chọn góc vẽ
Quy trình làm bài sơn dầu có hơi phức tạp nên cần chuẩn bị dụng cụ đầy đủ như vải canvas đã được căng sẵn theo khổ, cọ với nhiều kích thước và hình dáng, các tuýp màu, dầu thông, dầu lanh, dầu rửa cọ, bảng pha màu… Tùy mỗi người mà lựa chọn gam màu khác nhau nhưng vẫn phải tuân theo màu sắc tả thực của mẫu. Có thể bắt đầu từ vẽ sơn dầu tĩnh vật để làm quen với chất liệu rồi mới đến vẽ mẫu người thật.
2. Quan sát mẫu và dựng bố cục
Trước khi đặt bút vẽ cần có thời gian quan sát đặc điểm mẫu, dù là mẫu tĩnh hay mẫu động. Việc này giúp phân tích để có thể tả giống mẫu trước khi đo đạc, sau đó dựng bố cục từ ngoài vào, từ tổng quát đến chi tiết. Bố cục có thể dùng bút chì hoặc cọ nhỏ nhất để dựng, xác định bố cục lớn nhất ngay từ đầu thì sẽ dễ chỉnh sửa nếu có sai sót hoặc bị lệch.
3. Sơn lót và dựng hình
Bước sơn lót thường dùng 1 màu pha loãng để tô đều cả tấm vải, thường sẽ là màu nền của mẫu để giảm độ tương phản khi dựng hình. Sơn lót có thể có hoặc không, bạn có thể dựng trực tiếp trên vải màu trắng mà không cần lót nền đều được. Sau khi lót nền sẽ dùng cọ nhỏ để dựng hình, áp dụng kiến thức về hình họa để đo đạc và vẽ tỉ lệ cho đúng.
4. Lên sáng tối
Dựa trên hình đã dựng có thể lên một lớp sáng tối trước khi lên màu. Bước này giúp định hình về ánh sáng cũng như sắc độ trong bài, dùng một màu đơn sắc để lên phần tối và trung gian, nhằm tách sắc độ, từ đó việc lên màu sẽ dễ dàng hơn.
5. Lên màu từng lớp
Đây là bước khó nhất vì không chỉ thể hiện màu sắc hài hòa mà còn tả chất liệu. Ví dụ như tĩnh vật sẽ có các chất liệu phản chiếu ánh sáng hoặc nếp gấp của vải, còn mẫu người thật sẽ cần tả da người nhưng vẫn phải có sự ảnh hưởng màu sắc xung quanh. Vẽ sơn dầu đòi hỏi sự kiên nhẫn vì phải lên rất nhiều lớp, chồng màu liên tục và lên từ từ, đợi lớp dưới khô rồi mới sửa tiếp được.
Các kỹ năng cần có để vẽ tranh sơn dầu
Kỹ năng phác thảo và dựng hình
Dựng hình luôn là bước quan trọng vì phải đúng trước rồi mới đẹp, mới có thể thêm chi tiết, màu sắc vào. Nhất là sơn dầu thường vẽ với khổ lớn, nếu không thường xuyên đứng xa nhìn, bài sẽ rất dễ sai hình, và cứ tiếp tục lên màu sẽ dễ dẫn đến méo hình.
Cách sử dụng và bảo quản chất liệu
Sơn dầu là một trong những chất liệu vẽ phức tạp vì chúng không dùng với nước mà là dung môi, cũng không thể rửa với nước mà là loại chuyên dụng. Nếu không biết cách bảo quản, lông cọ sẽ bị khô cứng, tưa lông, không thể sử dụng nữa.
Kiến thức cơ bản về màu sắc
Học vẽ sơn dầu là làm quen với dạng tả thực bằng màu sắc, vì vậy đòi hỏi các kiến thức cơ bản về màu sắc để có thể kết hợp hài hòa, các màu sắc có tác động ảnh hưởng qua lại với nhau. Ví dụ như màu da vừa có nóng, có lạnh, có màu ánh nắng và màu nền ảnh hưởng vào, người da trắng với da ngăm ảnh hưởng màu cũng sẽ khác nhau.