Thiết kế đồ chơi – Toy Design
Bạn thử nhớ lại xem, khi chúng ta còn nhỏ chắc hẳn đều từng xuýt xoa mỗi khi đi ngang gian hàng đồ chơi đúng không? Đồ chơi luôn là thứ gì đó rất cuốn hút, từ những chiếc xe, bộ lắp ráp hay chỉ đơn giản là một trái bóng nhiều màu nhưng nhìn vẫn thật bắt mắt và muốn mua về chơi ngay. Với công nghệ ngày càng phát triển thì đồ chơi cho trẻ ngày càng được quan tâm hơn về chất lượng, chức năng và cả độ an toàn, vì thế mà đây cũng là lĩnh vực tiềm năng mà các nhà thiết kế có thể cân nhắc.
Thiết kế đồ chơi là gì?
Đồ chơi là các đồ vật dùng để chơi, dùng cho mục đích giải trí với đối tượng chủ yếu là trẻ em. Đồ chơi ngoài giải trí đơn thuần còn giúp tăng tính sáng tạo cho trẻ, để trẻ có thể phát triển về thể chất, kỹ năng và trí tuệ. Các thể loại đồ chơi cũng rất nhiều và đa dạng, từ thú bông, búp bê, lắp ráp đến xe điều khiển, rubik hay cả các loại đồ chơi điện tử.
Người thiết kế đồ chơi sẽ là người sáng tạo ra các loại đồ chơi dưới nhiều hình dáng, chức năng và vật liệu khác nhau. Họ không những phải dành thời gian nghiên cứu về hành vi, thói quen, cách chơi của trẻ để tạo ra món đồ phù hợp mà còn cần có kiến thức về tạo dáng bên ngoài, về kỹ thuật bên trong và nắm được đặc tính chất liệu để luôn đảm bảo độ an toàn với trẻ em. Họ sẽ làm việc với các loại bản vẽ và những mô hình 3D để đảm bảo độ chính xác trước khi đưa vào sản xuất.
Quy trình thiết kế đồ chơi
1. Nghiên cứu thị trường, nguyên vật liệu
Với đối tượng là trẻ em thì bước nghiên cứu sẽ cần nhiều thời gian hơn vì trẻ ở mỗi độ tuổi đều có sở thích, tâm sinh lý khác nhau. Ví dụ trẻ ở độ tuổi sơ sinh chỉ mới làm quen với các loại đồ chơi cơ bản để biết cách cầm nắm, nhận biết màu sắc, sự vật xung quanh, hay bé gái thì thích chơi búp bê, bé trai thì thích chơi xe điều khiển. Người thiết kế sẽ phải đặt ra câu hỏi đối tượng khách hàng của mình là ai, cụ thể là trẻ ở độ tuổi nào và món đồ chơi hướng tới là gì, là loại điện tử, vận dụng trí não, hoạt động tay chân hay là dạng đồ chơi dân gian truyền thống.
2. Lên ý tưởng và chọn chất liệu
Người thiết kế sẽ lên ý tưởng cho loại đồ chơi được định hướng ở bước trên, lúc này họ sẽ tham khảo để lựa chọn chất liệu dùng cho đồ chơi đó. Như một chiếc xe thì có có các ý tưởng tạo hình nào, xe bằng nhựa, kim loại hay là gỗ, một chiếc xe lắp ráp hay điều khiển, nó có thể ráp thành robot như trên phim không, nó sẽ nhỏ bằng ngón tay để chơi trong nhà hay lớn như kích thước thật và chạy được? Tùy từng mục đích và chất liệu mà sẽ có rất nhiều ý tưởng để triển khai.
3. Bản vẽ kỹ thuật
Sau khi đã có ý tưởng, người thiết kế sẽ chọn lọc lại để triển khai thành bản vẽ. Bản vẽ kỹ thuật sẽ khác với một bức tranh vẽ lại món đồ chơi vì lúc này nó cần có sự chính xác về kỹ thuật, về tính toán các thông số. Họ sẽ vẽ bản vẽ ở tất cả các hướng của món đồ chơi đó, nhất là đối với các món về lắp ráp hay có độ phức tạp và kích thước lớn thì bản vẽ càng chi tiết sẽ giúp cho việc đưa vào sản xuất dễ dàng hơn, đồng thời cũng cần chú thích về màu sắc cũng như chất liệu ở mỗi bộ phận.
4. Tạo mô hình 3D thu nhỏ
Từ bản vẽ kỹ thuật, người thiết kế sẽ tiến hành mô phỏng lại bằng một mô hình 3D có thể bằng giấy hoặc đất sét để hình dung đồ chơi trên thực tế như thế nào. Mô hình sau khi hoàn thành vẫn sẽ được chỉnh sửa nhiều lần để đảm bảo các bộ phận hay chi tiết nhỏ sẽ không gây nguy hiểm và khó khăn cho trẻ khi chơi.
5. Sản xuất thành phẩm
Bản vẽ và chất liệu đã được hoàn thành thì sẽ đưa vào sản xuất thành phẩm thật, nếu không còn vấn đề gì thì có thể sản xuất hàng loạt, quảng bá và đưa ra thị trường.
Các kỹ năng cần có để thiết kế đồ chơi
Kỹ năng tạo hình và tưởng tượng
Bạn sẽ không chỉ cần có kỹ năng vẽ 2D thông thường mà còn là 3D, tưởng tượng về một món đồ chơi sắp tạo ra về bốn mặt xung quanh nó. Kỹ năng tạo hình sẽ giúp khách hàng của bạn thấy ấn tượng, thích thú và muốn mua món đồ chơi đó.
Quan sát và phân tích
Quan sát về hành vi, thói quen, sở thích của trẻ ở mỗi lứa tuổi, mỗi giới tính để từ đó phân tích về thể loại đồ chơi phù hợp.
Sáng tạo
Đồ chơi có thể ở bất cứ hình dáng nào hay mô phỏng các lĩnh vực, ngành nghề nào mà không có giới hạn, bạn có thể tạo ra hẳn một loại đồ chơi mới nhưng cũng có thể cải tiến từ những loại đồ chơi có sẵn hoặc tái chế đồ chơi cũ. Để kích thích sự sáng tạo cho trẻ thì bản thân người thiết kế cũng cần phải sáng tạo.
Am hiểu về kỹ thuật
Một số đồ chơi phức tạp hoặc vận hành được sẽ cần yêu cầu độ chính xác về kỹ thuật bên trong. Lúc này bạn phải học cách tính toán thông số để làm sao một chiếc xe đồ chơi có thể chạy được hay một con búp bê có thể phát ra âm thanh được.
Hiểu biết các loại chất liệu
Có rất nhiều chất liệu đa dạng có thể dùng cho đồ chơi, từ nhựa, gỗ, giấy, nam châm, vải … Việc hiểu biết các loại chất liệu này sẽ giúp bạn có nhiều ý tưởng và tạo ra đồ chơi thú vị hơn, như việc dựa vào lực hút nam châm để tạo ra món đồ chơi lắp ráp vậy.