Trang trí màu

Trang trí màu là một trong những môn thi đầu vào tuyển sinh của các trường đại học khối ngành mỹ thuật và thiết kế. Những bài vẽ bạn hay bắt gặp như trang trí hình vuông, hình tròn, trang trí đường diềm, cái quạt … về một chủ đề nào đó đều là những bài trang trí với những gam màu đa dạng và rực rỡ. Để có thể làm ra các bài ấn tượng như vậy thì bạn phải ôn luyện hàng tháng trời để thi vào trường, nhưng chưa kết thúc đâu vì bạn vẫn có thể học tiếp môn này trong trường đại học để có nền tảng cho các ngành thiết kế sau này.

Trang trí màu là gì?

Trang trí màu là môn học cách điệu hình ảnh, sắp xếp bố cục và phối hợp màu sắc sao cho hài hòa, cân đối để tạo nên tác phẩm mang tính sáng tạo và ứng dụng cao. Trang trí màu thường được ứng dụng cho việc làm poster, banner, trang trí bìa sách, báo, tạp chí,… chủ đề của môn học cũng đa dạng đi từ các hình khối đơn giản lồng ghép vào nhau cho đến cách điệu con vật, đồ vật, chân dung, bối cảnh. 

Học trang trí màu sẽ giúp ta nắm được những quy tắc căn bản về màu sắc, cách phối màu cũng như ý nghĩa từng màu nếu muốn dùng để nói lên thông điệp gì đó, hiểu các quy tắc về bố cục, cách điệu, tạo hình để có nền tảng nhập môn liên quan đến các ngành thiết kế, mỹ thuật. Đồng thời cũng giúp nâng cao tư duy sáng tạo, phân tích mỗi mảng khi lên màu, có sự liên kết giữa họa tiết chính – phụ – nền và rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ thông qua việc đi sắc nét giúp bài chỉn chu hơn.

Quy trình một bài trang trí màu

1. Bố cục

Để bắt đầu một bài trang trí, chúng ta sẽ đi tổng quát đến chi tiết, từ phần bố cục trước. Tùy vào đề bài mà sẽ có các quy tắc bố cục khác nhau như đối xứng, bố cục một phần ba, đường diềm, bố cục tự do… Bố cục cũng là một bước giúp bạn khái quát ý tưởng ban đầu và thể hiện họa tiết chính – phụ ở đâu, to nhỏ như thế nào, trọng tâm hướng nhìn dồn vào đâu … từ đó sẽ dễ dàng đi vào chi tiết hơn.

2. Cách điệu

Tiếp đến là dựa vào yêu cầu đề bài mà chọn lựa cho mình họa tiết để cách điệu và chia mảng. Để có thể cách điệu đẹp cần có sự nghiên cứu tư liệu, hình thực tế đủ nhiều để nắm được đặc điểm của chúng, từ đó đưa ra các phác thảo để người xem vẫn nhận ra được đó là gì. Việc chia mảng cũng dựa trên đặc điểm của họa tiết để sáng tạo, có thể chia theo cấu trúc của vật, chia theo hình học hoặc đường cong và cần có sự tính toán trước để liên kết các mảng này với phần nền phía sau. 

3. Sắc độ

Trước khi lên một bài màu hoàn chỉnh bạn sẽ cần thông qua bước lên sắc độ, bước này có thể làm trên bản phác thảo nhỏ cũng được và có thể có nhiều phương án về sắc độ. Tuy chỉ là một bước nhỏ nhưng nó rất quan trọng cho việc cảm nhận sắc độ đậm nhạt, nhấn nhá và dễ làm khi mọi thứ được đưa về trắng đen. Nếu không có bước này, có thể quá trình lên màu của bạn sẽ bị loạn do không đủ độ đậm, đều màu, họa tiết lẫn vào nền do sắc độ giống nhau dẫn đến không bật được họa tiết chính, bài sẽ bị chìm. 

4. Màu sắc

Cuối cùng, để bài trang trí trở nên bắt mắt và lung linh hơn chính là thêm màu sắc vào. Bạn cần chọn gam màu phù hợp và áp dụng các quy tắc về sắc độ, độ tươi, độ trầm của màu và liên kết chúng lại để màu sắc được hài hòa, có nóng có lạnh có trung gian, có sáng có tối,…

Các kỹ năng cần có để làm tốt trang trí màu

Phân tích đề bài

Bước tiên quyết là phải làm đúng đề nên việc phân tích đề bài là rất cần thiết, từ việc được yêu cầu trang trí gì trên khung kích thước bao nhiêu, cần các yếu tố gì, họa tiết gì, nêu lên thông điệp, nội dung ra sao. 

Kỹ năng phác thảo

Mặc dù là một môn tập trung khá nhiều về khía cạnh màu sắc nhưng nếu có kỹ năng phác thảo thì việc tạo hình, cách điệu sẽ dễ dàng hơn cũng như đưa ra được nhiều phương án ý tưởng.

Nắm bắt đặc điểm của họa tiết

Không phải cứ cách điệu họa tiết ở góc độ bất kì nào cũng đẹp mà sẽ tương tự như hình họa, cách điệu cũng cần nắm được đặc điểm để sao cho bằng hình vẽ đơn giản vẫn có thể diễn tả chúng cho người khác hiểu, nhất là đối với các họa tiết càng phức tạp càng phải chắt lọc đặc điểm để tạo hình.

Hiểu được các quy tắc cơ bản về màu

Từ màu cơ bản, màu bổ túc, màu nóng lạnh, màu tương đồng, tương phản, màu tươi, màu trầm… tất cả những quy tắc này hiểu được rồi mới có thể vận dụng chúng vào bài.

Sáng tạo

Có thể sáng tạo trong cách chọn họa tiết, hoặc cách điệu hoặc trong gam màu lạ mắt, thử nghiệm những cái mới cũng giúp nâng cao tư duy sáng tạo và thẩm mỹ.

Cẩn thận, tỉ mỉ

Thể hiện trong việc giữ bài sạch sẽ vì đa số làm bằng tay và tô màu sắc nét, không lem nhem, kỹ lưỡng trong từng nét vẽ.