Tượng tròn là gì?

Tượng tròn là gì?

Tượng tròn là một loại hình cơ bản của điêu khắc thể hiện được trọn vẹn cả 3 chiều không gian và hình khối, sao cho người xem có thể đi vòng quanh và ngắm nghía tác phẩm. Tượng tròn đa dạng về chất liệu, hình thức thể hiện và đề tài, có thể là con người, chân dung, bán thân, toàn thân, bố cục nhóm, động – thực vật cho đến các hình khối tượng trưng, tượng trang trí, tượng thờ… Chúng có thể có kích thước to lớn, đặt ở các vị trí rộng để trang trí cảnh quan hay thờ cúng trong chùa chiền, bảo tàng, hoặc có thể là kích thước trung bình, nhỏ bé để trang trí nội ngoại thất, dùng trong các triển lãm. 

Khi học điêu khắc tượng tròn ta sẽ được làm quen với các chất liệu khác nhau và cách ứng dụng đặc tính của chúng để tạo ra tác phẩm. Bên cạnh sử dụng chất liệu và bảo quản thì còn được học về bố cục và hình dung không gian của tượng ở tất cả các hướng, liên kết yếu tố chính phụ đối với tượng nhóm, tạo ra form dáng thu hút và ứng dụng nguyên lý đặc – rỗng, màu sắc, cấu trúc và cả giải phẫu học.

Quy trình làm tượng tròn

Bạn sẽ bắt đầu với đất sét trước sau đó dần dần làm quen với các chất liệu khác như gỗ, đá, thạch cao, đồng…

1. Vẽ phác thảo và làm quen với chất liệu

Bước đầu tiên là định hình về tác phẩm mà bạn sẽ tạo ra và phác thảo giúp biến cái tưởng tượng đó thành hình ảnh thật trên giấy để chỉnh sửa các sai sót. Sau phác thảo sơ bộ bạn sẽ cần bản vẽ 4 góc với các kích thước, tỷ lệ để hình dung được mặt trước, sau và 2 bên cần tạo hình như thế nào chứ không chỉ tập trung vào mỗi mặt chính diện, càng chi tiết thì càng dễ cho việc điêu khắc. Đồng thời làm quen với loại chất liệu mà bạn sẽ dùng, như chúng có đặc tính, độ ẩm, khô cứng ra sao từ đó dùng các vật dụng đục đẽo và tạo hình khác nhau. Việc bảo quản cũng rất quan trọng vì nếu để chất liệu khô cứng lại sẽ rất khó tạo hình trong lần tiếp theo.

2. Làm cốt và bệ

Cốt là phần xương, phần trụ để chịu lực nâng đỡ cả tượng, nối các bộ phận cũng như giữ tượng không bị ngã đổ. Dựa vào bản phác thảo mà bạn sẽ định hình vị trí, hình dáng của cốt như thế nào, thường là thanh gỗ, sắt để đảm bảo độ chắc chắn và hạn chế lòi ra khỏi tượng làm mất thẩm mỹ, nếu bắt buộc phải lòi ra thì chọn những thanh thẳng, mỏng và xem nó như một phần của bố cục để không làm nặng mắt người xem. Bạn nên làm thêm phần bệ hoặc đế ở dưới cùng để cắm cốt và thuận tiện cho việc di chuyển cũng như đặt vị trí tượng.

3. Tạo dáng tổng thể

Tạo hình tượng bằng cách lên từ tổng thể và tạo dáng bằng các hình khối cơ bản, nếu có nhiều phần ghép lại thì mỗi phần cũng tạo những mảng, khối lớn đơn giản như vậy. Chỉnh sửa các khối lớn này sẽ dễ hơn sửa các chi tiết đã bị méo mó bên trong, cũng như phần cốt đã cứng rồi, dáng tổng thể đúng theo tỷ lệ thì mới có thể trang trí, tỉa gọt thêm. Thường xuyên so sánh với bản phác thảo để nó không bị lệch đi ý tưởng ban đầu, dùng thước và các vật dụng đo đạc, vạch ra các trục, trục ngang, trục dọc và các tỉ lệ lớn rồi cắt xén cho phù hợp. 

4. Thêm chi tiết

Dáng tổng thể đúng, có vị trí các trục rồi thì sẽ thêm thắt chi tiết, các chi tiết nhỏ cũng nên đi từ hình khối, những mảng thẳng rồi mới bo tròn và đục đẽo, khoét sau. Trong giai đoạn này cần thường xuyên xoay vòng tác phẩm để kiểm tra góc nhìn ở 4 mặt, không chỉ đúng tỷ lệ ở mặt trực diện mà còn cả hai mặt bên nữa, đảm bảo chúng có độ sâu và nhìn ra được đặc điểm của tác phẩm. 

5. Kiểm tra và hoàn chỉnh

Khi các chi tiết nhỏ đã được tạo hình xong thì có thể kiểm tra lần cuối về cấu trúc, hình dáng, tổng thể tượng có bị thay đổi không, tượng có đứng vững về trọng tâm không, xoay tượng theo nhiều chiều và bạn nên đứng ở nhiều vị trí để nhận xét, đánh giá lại bao quát tượng. Tùy vào chất liệu mà bảo quản và tiến hành hoàn thiện tượng, ví dụ có loại chỉ cần để khô hoặc phải nung với nhiệt độ cao, có loại cần làm mịn, tráng men và thậm chí là sơn phết bên ngoài.

Các kỹ năng cần có khi làm tượng tròn

Am hiểu về các loại vật liệu

Có kiến thức về đặc tính của các loại nguyên liệu khác nhau như gỗ, đá, kim loại, đất sét… sẽ giúp bạn có các phương thức điêu khắc khác nhau, độ dùng lực, tạo hình cũng như cách bảo quản để phù hợp với từng yêu cầu.

Kiến thức về lĩnh vực điêu khắc

Sử dụng dụng cụ và thiết bị

Nếu trong hội họa là sử dụng thành thạo các loại cọ, màu, bút thì trong điêu khắc cũng vậy, bạn phải rèn luyện để sử dụng thành thạo các dụng cụ như dao cắt gọn, dao đầu cạo mịn, dao đầu nhọn …

Tưởng tượng trong không gian 3 chiều

Tượng tròn cần đảm bảo bố cục, đường nét và thẩm mỹ ở cả tất cả các góc nhìn chứ không chỉ riêng góc nhìn trực diện nên bạn cần có khả năng tạo hình trong không gian 3 chiều và hình dung với tác phẩm đó khi nhìn nghiêng, nhìn phía sau thì sẽ mang lại cho người xem những gì.

Đo đạc và tỉ lệ

Tỉ lệ cần rõ ràng về cả chiều dài, chiều rộng, chiều cao và cả độ cong, độ nổi khối thì tác phẩm mới sinh động, chân thực được.